Theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), có đến 95% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược hoặc tích hợp trong định hướng phát triển kinh doanh và công nghệ thông tin.
Xu hướng đó phù hợp với kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của NHNN. Trong đó, xác định mục tiêu hướng vào năm 2025 đảm bảo 60% tổ chức tín dụng có tỉ trọng doanh thu từ kênh số hóa đạt trên 30%. Xu hướng chuyển đổi số mang tới cơ hội nhưng cũng kèm theo đó là thách thức về nhân sự cho ngành ngân hàng.
Bởi muốn chuyển đổi số hiệu quả phải có nhân sự hiểu cả công nghệ và nghiệp vụ kinh doanh. Vì vậy, giữa các ngân hàng đang diễn ra cuộc cạnh tranh nhân sự chất lượng cao rất quyết liệt. Thậm chí, sự cạnh tranh nhân sự chuyển đổi số không chỉ diễn ra giữa các ngân hàng, còn giữa ngân hàng với các công ty tài chính công nghệ, những đơn vị chấp nhận trả rất nhiều tiền để thu hút nhân sự chất lượng.
Hiện tại, nguồn nhân sự chất lượng cao cho ngân hàng số đòi hỏi phải có “3 trong 1”, bao gồm kiến thức về công nghệ, tài chính và ngoại ngữ. Để tập trung phát triển dịch vụ số hóa, nhu cầu tuyển dụng các vị trí có nhu cầu cao gồm phát triển kinh doanh cho dịch vụ ngân hàng, phân tích trải nghiệm khách hàng và mảng công nghệ thông tin như quản lý dự án, phân tích dữ liệu.
Hiện nhân viên ngân hàng không chỉ biết về nghiệp vụ tài chính, mà còn phải giỏi ngoại ngữ, công nghệ thông tin và đặc biệt phải có kiến thức khá chắc chắn về khoa học dữ liệu, đồng thời phải trở thành những người bán hàng chuyên nghiệp, bao gồm cả những kiến thức tổng hợp đa ngành, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm truyền thông, maketing và kỹ năng quản lý, kiểm soát nội bộ.
Do đó, ngành ngân hàng vẫn tồn tại một “nghịch lý” về tình trạng nguồn nhân lực “vừa thừa lại vừa thiếu”. Theo đó, nhân lực phổ thông thì thừa, trong khi nhân lực chất lượng cao, nhân lực làm việc trong lĩnh vực ngân hàng số lại thiếu.
Để giải quyết tình trạng trên, các ngân hàng thường xuyên tạo điều kiện bố trí cán bộ, nhân viên tham gia các lớp, lượt tập huấn tập chung và trực tuyến chuyên sâu về dự án xây dựng chương trình phần mềm quản lý nhân sự (HRM) mới; dự án E-learning; dự án xây dựng khung năng lực, thương mại điện tử, marketing số hoá… Hầu hết nhân lực ngân hàng chuyên về mảng công nghệ thông tin chiếm khoảng 30-40% cơ cấu nhân sự tại các ngân hàng và sẽ tiếp tục gia tăng cùng với cuộc chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi quyết định sự thành công và phát triển bền vững trước những thay đổi của Cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình hội nhập của ngành ngân hàng. Để đáp ứng được nhu cầu của các ngân hàng trong kỷ nguyên số, thời gian tới.
Các ngân hàng sẽ thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức kinh doanh điện tử cơ bản cho cán bộ, nhân viên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của môi trường kinh doanh. Chú trọng việc đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý cho cán bộ quản lý để điều hành hệ thống ngân hàng đã được số hoá.
Bên cạnh đó, tăng cường những chính sách và biện pháp giữ chân nhân tài, nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, tăng cường liên kết với hệ thống đào tạo của các trường đảm bảo nội dung đào tạo gắn với việc làm và theo nhu cầu xã hội.
Ngoài ra, các ngân hàng đã và đang xây dựng quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển và đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số hướng tới ngân hàng số dựa trên ứng dụng công nghệ số, công nghệ và mô hình sáng tạo của thời đại 4.0 với mục tiêu các ngân hàng có thể kinh doanh, quản trị, điều hành ngân hàng, cung ứng sản phẩm – dịch vụ trên nền tảng số, tăng doanh thu, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả vận hành, cung cấp trải nghiệm khách hàng vượt trội và tăng sự gắn kết khách hàng.
Với cuộc đua chuyển đổi số mạnh mẽ giữa các ngân hàng hiện nay, dự báo trong thời gian tới, nhu cầu nhân sự chất lượng cao ngành tài chính ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cao./.
Headhunting chúc bạn thành công !